Đánh mắng và hậu quả đến bé khi trưởng thành

Trẻ ở độ tuổi mầm non, trừng phạt sẽ tạo ra kết quả ngay – lập – tức. Điều này không phải bàn cãi. Càng bé thì phạt càng dễ.

Mọi người đã nghe nhiều tới hậu quả về mặt sinh lý: cơ thể tiết ra hợp chất cortisol khiến con căng thẳng, chậm lớn, phát triển bất đối xứng…

Về góc độ tâm lý, hậu quả của những ứng xử tiêu cực với con, chính là người lớn góp phần tạo ra “em bé bị tổn thương” bên trong nội tâm con.

Trừng phạt ở đây không nhất thiết là phải đánh đòn. Có thể là tước đi từng thứ trong tháp nhu cầu Maslow.

Trừng phạt có thể là tước đi nhu cầu cơ bản của bé: bắt nhịn ăn, không được chơi, bắt nhịn tè;
Tước đi nhu cầu an toàn (lấy đi đồ chơi yêu thích, chuyển lớp, lờ đi khi bé cần giúp đỡ;
Lấy đi nhu cầu được tôn trọng: bêu xấu cơ thể của bé, quát tháo, hạ thấp trẻ trước bạn bè…

Tại sao: “Khi một đứa trẻ bị cha mẹ chỉ trích hay đánh chửi, thì nó không dừng yêu thương cha mẹ mình mà nó bớt yêu thương chính bản thân nó”. Em bé bớt yêu thương chính bản thân mình, là do trong tâm trí gánh thêm “cục đá” khác: The Shadow.

Chúng ta đã từng nghe khái niệm “Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn” chứ, là đang nhắc tới Em Shadow này.

Shadow là một khái niệm trong tâm lý học (C.Jung) – chỉ tất cả những gì ta không thể nhìn thấy trong chính bản thân mình. Là đại diện của tất cả những phần ta không thừa nhận, không được chấp nhận, khuyến khích trong 20 năm đầu đời (đặc biệt là giai đoạn 0-6 tuổi).

Tất cả những phần đó, đẩy ra khỏi vùng ý thức của ta. Tạo ra một “em bé The Shadow – em bé tổn thương” nằm ở vô thức (và sẽ nằm ở đó mãi mãi nếu ta không chữa lành nó).

Trong những năm đầu đời, trẻ sẽ chưa đủ khả năng phân tách mình học cái gì, chọn lựa cái gì. Những người lớn xung quanh trẻ không chấp nhận thứ gì đó, cũng chính là cái mà trẻ không chấp nhận và sẽ chối bỏ.

Những Shadow mà chúng ta có thể “góp phần xây dựng” cho bé? Con trai không được khóc. Con trai phải mặc đồ màu xanh, con gái màu hồng. Chạy nhảy nghịch ngợm là hư…

Khi liên tục bị chối bỏ nhu cầu, không được đáp ứng, không được hướng dẫn để biết cách cư xử, bị nói chuyện kiểu bạo lực “thương cho roi cho vọt”, thì em bé có phản kháng không? Có chứ:

  • Trẻ có hệ thần kinh yếu thì dễ mắc chứng tự ti, rụt rè.
  • Còn trẻ có hệ thần kinh mạnh thì dễ trở nên hung tính, nổi loạn, lỳ lợm khó bảo…, thậm chí còn thích đi trêu, đánh, lấy đồ của các bé khác cho vui.

Shadow của bé bắt đầu có gì? Cáu là có thể đánh, muốn ai nghe mình thì quát (Chiến); ai đánh chửi gì cũng cam chịu…

Bản chất của Shadow là nó chỉ chực chờ lúc mình mất kiểm soát rồi bùng lên, nhảy ra ngoài. Ngay từ bé, phần này đã được bé phóng chiếu ra ngoài: 0-3 tuổi nghịch nước thì bị cấm, quát, đánh, úp mặt vào tường, bị dán nhãn đó là xấu. Thì khi lớn hơn chút, con sẽ đi phán xét các em bé khác “eo ôi, bẩn thế”.

Tất cả những gì ta không thừa nhận, chắc chắn sẽ quay ra chống lại chúng ta vào một ngày nào đó.

Bỏ rơi shadow sẽ khiến ta luôn có cuộc đấu tranh nội tâm/ mâu thuẫn dằn vặt bên trong, bất hoà của ta với thể giới bên ngoài khiến ta chẳng thể nào yên ổn.

Thi thoảng bạn nghe trên báo đài, có những trẻ vị thành niên bình thường vô cùng hiền lành, tự dưng 1 ngày đi chém giết người chứ? Phần bạo lực này đã được nuôi dưỡng từ lúc nào? Sao bình thường không thấy, tự dưng nó “trồi lên”.

Shadow này không được con người trưởng thành của bé chấp nhận, nó sẽ nhắc: này, mày có Shadow này đấy, trong tâm trí mày có phần này đấy. Càng không thừa nhận Shadow, nó sẽ phóng chiếu ra ngoài, ta sẽ nhìn thấy phần shadow này ở người khác.

Khi ta đánh giá phán xét người khác, là trong Shadow của ta cũng có phần đó.

Ta khó chịu khi người khác chửi thề. Có thể ta thích chửi thề (hãy nhớ em bé 4-5 tuổi thích thử nghiệm ngôn ngữ bằng những từ lạ).

Thông qua giáo dục, và cả cái Tôi (ego) muốn show ra phần đẹp đẽ, ta biết chửi thề có thể làm giảm tôn nghiêm của ta, ta coi chửi thề không tốt. Ta cố đè nén nó. Ok, vậy ta lại càng dễ nhìn thấy nó ở người khác. Ai hay nhìn thấy người khác so sánh, phán xét, coi chừng, đó chính là “tín hiệu” Shadow nhắn rằng: ta cũng có cái đấy mà không chịu thừa nhận.

Một vòng luẩn quẩn: bố mẹ phóng chiếu Shadow của mình lên bé, dần dần, con cũng có Shadow đó, lớn lên lại cần “xử lý”…

Để cắt đi cái vòng luẩn quẩn này, ngay từ khi là cha mẹ, ta có thể quan sát và nhận diện lại những Shadow trong mình, để ít ảnh hưởng tới con.

Nếu chưa kịp nhận diện Shadow của mình, ta có thể bắt đầu bằng việc quan sát mà ít phán xét. Công nhận cảm xúc của con.

Khi con sợ tiếng máy sấy, máy giặt, tiếng sấm… hãy để con được sợ. Công nhận nỗi sợ của con và ôm ấp con. Sự bình tĩnh của người lớn sẽ “pha loãng” nỗi sợ trong con.

Chấp nhận lùi lại 1 chút để con thử nghiệm và được làm. Đáp ứng môi trường đúng giai đoạn để con được khám phá. Ví dụ: 1-3 tuổi thích làm việc nhà thì tạo điều kiện cho làm…

Ai cũng bảo vẽ chuyện, đánh mới nên người. Lớn lên, thông quá quá trình giáo dục và trưởng thành, con có bề ngoài thành công, hạnh phúc. Trong tâm lý, chỉ con mới biết, những “phần” nào bên trong mình, có thực sự an bình hay không?

Nguồn: Hương Nguyễn. Poh